Trà trái cây được những người uống trà trên khắp thế giới yêu thích. Có nhiều loại trái cây trong căn bếp của bạn – hãy chọn loại mà bạn yêu thích, phù hợp với cơ thể, vị giác của bạn và pha chúng theo những công thức đơn giản để tìm lại cảm hứng cho bản thân mình trong những ngày đầu năm mới thật vui vẻ…
Trà trái cây được pha chế từ trà đen (với người Việt còn có thể dùng thêm trà mạn – loại trà chát thuần Việt nếu muốn tăng cảm giác về vị trà) với các loại trái cây có sẵn trong nhà. Cách pha chế đơn giản, dựa trên công thức có sẵn hoặc sáng tạo thêm hứa hẹn sẽ mang lại những hương vị không những tươi ngon mà còn rất mới lạ.
Nguyên liệu để làm trà trái cây rất đơn giản – chỉ dùng trà đen túi lọc và trái cây tươi là tạo nên được ly trà tươi ngon, lạ miệng.
Trà trái cây tươi
Chuẩn bị nguyên liệu:
Trà đen: Chọn một loại trà đen thuần chất tránh các loại đã thêm hương vị trái cây hoặc hương vị mạnh khác (để bảo toàn hương vị của các loại trái cây tươi thêm vào sau này). Có thể dùng trà mạn của Việt Nam tuy nhiên nên tiết chế số lượng để tránh vị trà mạnh át vị trái cây, lẫn mất mùi tươi ngon của trái cây.
Trái cây: Chọn loại trái cây ngọt đậm (nếu bạn không có các bệnh phải tránh đường trong trái cây) và có hương vị mạnh – chúng sẽ giúp khơi dậy cảm xúc thư thái và thi vị thông qua hương vị mạnh mẽ khi kết hợp với trà đen. Những loại trái cây có thể sử dụng tốt nhất để pha chế trà chính là đào, mơ, mâm xôi, dưa hấu, dâu tây, dứa…
Đào là loại quả rất phù hợp để làm trà trái cây.
Dâu, chanh cũng là loại quả dễ chế biến và có mùi thơm mạnh
Quả mâm xôi chỉ phù hợp để làm trà trái cây tươi
Sơ chế:
Túi trà (hoặc trà mạn lấy lượng vừa đủ, với trà mạn nên pha nhạt) châm với nước sôi đúng bằng lượng uống (nếu pha cho cả gia đình có thể pha theo lít và lấy lượng trà tương ứng).
Trà đen đem pha với nước sôi để lấy nước sau đó bỏ túi lọc đi
Trái cây gọt vỏ, rửa sạch và cắt từng miếng nhỏ, mỏng vừa phải theo hình thù đẹp mắt.
Đợi nước trà nguội còn khoảng 50oC thì bỏ trái cây vào chừng 10 phút để đủ ngấm. Có thể lọc bỏ trái cây hoặc để trái cây lại trong bình trà (nếu dùng ngay). Có thể thêm đá hoặc uống nguyên khi nóng ấm tùy theo thời tiết khí hậu, sở thích. (Trong trường hợp không uống hết ngay cần bỏ trái cây riêng ra khỏi nước trà tránh làm hỏng nước và miếng trái cây cũng không còn giòn, ngon).
Ly trà trái cây tươi ngày đầu xuân đẹp mắt lại có vị thơm ngon mới lạ.
Tương tự cách làm trà trái cây tươi có thể làm với các loại thảo mộc để thêm công dụng chữa bệnh mùa lạnh hoặc các bệnh về đường hô hấp như sả, gừng, chanh, bạc hà chỉ với cách đơn giản châm trà đen với nước sôi rồi thả các loại thảo mộc như trên vào. Có thể dùng kèm với mật ong để thêm vị đậm đà và chuẩn thành phần chữa bệnh.
Trà trái cây sấy khô
Chuẩn bị nguyên liệu:
Chuẩn bị lò sấy: Làm nóng lò nướng ở 120oC/ 250oC. Đặt một tờ giấy bạc trên 1 vỉ nướng của lò.
Trái cây và nguyên liệu phụ: Chuẩn bị chanh, cam, gừng, bạc hà, quế và rửa sạch, để ráo nước. Chanh, cam, gừng lấy vỏ, ruột có thể để lại trang trí, thái lát tăng thêm vị tươi ngon khi uống hoặc dùng vào việc khác nếu chỉ muốn tận hưởng nguyên vị thơm của các loại vỏ sấy khô.
Sơ chế:
Dùng vỏ các loại chanh, cam, quế, gừng để pha chế, chuẩn bị thêm bạc hà. Chanh, cam gọt lấy vỏ, gừng thái lát mỏng. Sau đó đặt lên vỉ nướng vừa lót giấy bạc. Riêng bạc hà sấy riêng trên vỉ nướng khác. Đặt tất cả vào lò nướng vừa làm nóng. Với bạc hà nướng khoảng 10 -15 phút, với vỏ chanh, cam, gừng nướng khoảng 45 – 50 phút.
Sau khi nướng khô thì vò nát lá bạc hà, trộn với hỗn hợp vỏ chanh, cam, gừng cùng với quế xay (quế có thể để nguyên vỏ hoặc nghiền vụn rồi trộn lẫn). Vậy là đã có hỗn hợp trà trái cây khô
Pha trà:
Bỏ trà trái cây khô (vụn vừa sơ chế) vào túi lọc hoặc pha với nước sôi rồi lọc bằng màng lọc, đổ ra từng ly hoặc bình lớn (nếu để uống dần trong ngày) và thêm vào các lát chanh, cam, gừng tươi thái lát trang trí theo hình trái tim, hình tam giác, bán nguyệt hoặc theo sở thích cá nhân) và thêm vài lá bạc hà tươi làm trang trí rồi sử dụng. Tương tự có thể dùng cả nóng lẫn lạnh, tuy nhiên với loại trà khô giàu mùi vị như trên dùng nóng đặc biệt phù hợp, có thể hỗ trợ các bệnh về thời tiết như ho, xoang, cúm…
Trà táo khô
Tương tự với cách làm như trên có thể sấy khô một số loại quả như táo (dùng loại táo đỏ, táo tây loại to), cam, bí đao… hoặc các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng, đậu biếc… Và dùng kèm với mật ong để tạo thành một số vị thuốc nam vừa giải khát vừa hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh.\
Để chế biến một ly hoặc một bình trà trái cây, nếu là dạng tươi bạn chỉ mất chừng 5 – 15 phút và nếu là sấy khô thì cũng chỉ mất chưa đến 1 tiếng (kể cả thời gian sấy, vừa sấy có thể vừa tranh thủ làm các công việc khác) là đã có ly trà hoặc bình trà thơm ngon giúp xua tan mọi bộn bề, mệt mỏi.
Một ly trà trái cây khô có hương vị và độ thơm ngon khác với ly trà trái cây tươi. Ngày Tết chị em hãy thử chế những món trà để tự thưởng và mời khách đổi vị, tận hưởng cảm xúc mới mẻ.
Một ly trà trái cây đầu xuân với những hương vị nồng nàn như quế, sả, gừng hoặc thanh tao như bạc hà cùng với đó là thoang thoảng mùi trái cây tươi như cam, dứa, chanh trong dịp đầu năm chắc chắn sẽ mang đến vô vàn cảm xúc tươi mới và dễ chịu. Còn chần chờ gì nữa mà bạn không bày ra một bàn tiệc trà tự thưởng cho chính mình và gia đình?